Lịch sử phát triển

          Công ty cổ phần vật tư và xuất nhập khẩu được hình thành từ việc cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước. Quá trình hình thành và phát triển như sau:

          Thực hiện theo quyết định số 161-NN/TCCB-QĐ ngày 05/4/1988 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) trên cơ sở hợp nhất giữa một bộ phận thuộc Tổng Công ty XNK rau quả, Xí nghiệp vật tư và vận tải (Công ty rau quả Trung ương), một phần Công ty giao nhận Hải phòng thành Công ty vật tư rau quả.
 
       1. Từ năm 1988 đến 1990:  là thời kỳ hoạt động theo cơ chế bao cấp, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty phụ thuộc vào chỉ tiêu kế hoạch được Tổng Công ty giao nằm trong chương trình hợp tác rau quả Việt – Xô (1986 – 1990). Công ty vật tư rau quả chỉ đơn thuần tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vật tư đến các đơn vị sản xuất theo kế hoạch của Tổng Công ty rau quả Việt Nam.
       
         2. Từ năm 1991 đến 1992:  là thời kỳ chương trình hợp tác rau quả Việt - Xô kết thúc, sự hẫng hụt đột ngột về thị trường do Liên Xô và các nước XHCN Đông âu tan vỡ đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty rau quả Việt Nam cũng như Công ty vật tư và XNK. Khối lượng vật tư hàng hoá mua vào từ Liên Xô và các nước Đông âu giảm nhanh, cả năm 1991 lượng vật tư hàng hoá mua vào chỉ bằng 16 % của năm 1990, chiết khấu vật tư không còn đủ trả lương CBCNV. Cơ chế kinh doanh bao cấp bị phá vỡ thay vào đó là cơ chế kinh tế thị trường với những quy luật mới hà khắc. Trong bối cảnh đó, Công ty đã gặp không ít khó khăn, trăn trở, tìm những giải pháp, bước đi thích hợp để trụ lại, hoà nhập và từng bước phát triển.
 
           Được Tổng công ty cho phép, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ nhập vật tư theo kế hoạch của Tổng công ty giao và cung ứng những vật tư còn lại của chương trình hợp tác Việt - Xô cho các đơn vị sản xuất thuộc Tổng công ty rau quả Việt Nam, Công ty vật tư đã khai thác tốt các loại vật tư hàng hoá để cung ứng cho các đơn vị trong và ngoài Tổng công ty, tận dụng hết năng lực và cơ sở vật chất hiện có, tạo công việc làm cho CBCNV. Trong năm 1992 cũng đã đề nghị Tổng công ty rau quả Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm bổ sung nhiệm vụ  trực tiếp xuất nhập khẩu để tăng nguồn ngoại tệ cho Tổng công ty. Ngày 2/3/1993, tại Quyết định số 118/NN/TCCB-QĐ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã chính thức bổ sung nhiệm vụ trực tiếp xuất nhập khẩu và đổi tên Công ty vật tư rau quả thành Công ty vật tư và xuất nhập khẩu ( gọi tắt là : Masimex).
         3. Từ năm 1993 đến 2004:
Từ những bài học khởi đầu sau 2 năm ( 1991-1992) thực hiện sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, được sự quan tâm và chỉ đạo của Tổng công ty, Công ty đã tìm cho mình hướng đi mới để tồn tại và phát triển. Tuy vậy, thời kỳ này Công ty đã gặp không ít những khó khăn như:
      -  Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị kinh tế trong nước.
      - Khủng khoảng tài chính của các nước trong khu vực, vật tư hàng hoá, giá cả trên thế giới không ổn định đã ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến kinh doanh xuất nhập khẩu và các mặt hoạt động của Công ty.
          Với những đặc điểm thuận lợi và khó khăn trên, nắm bắt cơ hội, Công ty đã mở rộng thị trường, từng bước tháo gỡ những khó khăn, để đứng vững trên chính đôi chân của mình chuẩn bị cho tiếp tục sự nghiệp đổi mới của doanh nghiệp.
        
       4. Từ năm 2005 đến nay:
        
       Thực hiện theo Quyết định số 4468/ QĐ/BNN-TCCB ngày 09  tháng 12 năm 2004 của Bộ Trưởng Bộ NN và PTNT về việc cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước. Công ty đã chuyển sang Công ty cổ phần và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với những bước thăng trầm của lịch sử, với những thách thức và cơ hội mới, Công ty đã nắm bắt và vận dụng để khai thác lợi thế hướng tới mục tiêu ổn định và phát triển bền vững nhằm tối đa hóa lợi nhuận, gia tăng giá trị Doanh nghiệp. Là cổ đông, là người lao động của Công ty cùng nhau nhìn về lịch sử, rút ra những bài học kinh nghiệm để tự tin vững bước hướng về tương lai.